Bối cảnh lịch sử Trận_Königgrätz

Vào tháng 9 năm 1862, Otto von Bismarck trở thành Thủ tướng của Vương quốc Phổ. Ông chủ trương đối đầu với người Áo và cổ vũ cho Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Albrecht von Roon và Tổng tham mưu trưởng Helmuth von Moltke Lớn ra sức cải cách đổi mới lực lượng quân đội Phổ. Vào năm 1864, liên minh Áo-Phổ đã đánh bại Đan Mạch trong cuộc Chiến tranh Schleswig lần thứ hai, buộc Đan Mạch phải nhượng cho họ hai Công quốc SchleswigHolstein.[9] Tiếp theo đó, vào các năm 18651865, Bismarck chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mới, lần này là chống lại Đế quốc Áo,[9], nhằm loại bỏ hoàn toàn nước Áo ra khỏi gia đình các dân tộc Teuton.[28]

Một nguyên nhân khiến cho cuộc chiến tranh này sẽ diễn ra là do người Phổ nuôi chí phục thù sự lăng nhục của người Áo đối với họ trong Hiệp ước Olmütz hồi năm 1850 làm tiêu tan hy vọng thống nhất nước Đức.[29] Trước hết, vị Thủ tướng đảm bảo sự trung lập của Đế quốc NgaPháp. Người Nga, vốn đang tranh giành quyền lợi với Áo tại vùng Balkan, cũng bất mãn với vai trò của Áo trong cuộc Chiến tranh Krym. Đồng thời, giới lãnh đạo Nga cũng biết ơn Bismarck vì đã niêm phong biên giới của Phổ với Ba Lan trong cuộc khởi nghĩa của nhân dân Ba Lan vào năm 1863 chống lại ách thống trị của người Nga – điều này khiến cho Nga dễ dàng dập tắt cuộc khởi nghĩa. Vào tháng 10 năm 1865, Bismarck tiếp kiến Hoàng đế PhápNapoléon III tại Biarritz và hứa hẹn sẽ nhượng bộ vùng ven sông Rhine cho Pháp, đổi lại Pháp phải giữ thái độ trung lập. Napoléon III tỏ ra thèm muốn chiến tranh đến mức mà ông nỗ lực biến Ý thành một đồng minh của Phổ, cũng đồng thời cho nước Áo biết rằng ông ta đang cố gắng bằng mọi giá để mà giữ vững sự trung lập của Ý. Bản thân chính quyền Ý thời bấy giờ cũng muốn giành lại miền Venezia từ Áo.[9]

Sau khi đã cô lập nước Áo, Bismarck bắt đầu phát động cuộc chiến tranh nhằm xóa bỏ Liên minh Đức. Vào ngày 14 tháng 6 năm 1866, trước tình hình nóng bỏng, các quốc gia trực thuộc Liên minh các quốc gia Đức đồng ý liên minh với Áo và khai chiến với Phổ[9][24]. Đồng thời, quân đội Ý cũng tấn công vùng Venetia thuộc Áo.[30] Vào ngày 18 tháng 6 năm 1866 vua nước Phổ là Wilhelm I đã hiệu triệu nhân dân giương cao khí giới[3]. Vào ngày 21 tháng 6 năm ấy, nước Áo đã tổng động viên quân đội và sau 20 ngày thì nước Phổ theo gót Áo.[15] Như vậy là, một cuộc xung đột đã bùng nổ giữa các quốc gia tại Đức (chủ yếu là HanoverSachsen) và Đế quốc Áo với Vương quốc Phổ và Ý.[9][20] Chỉ có một số nước nhỏ ở miền Bắc Đức là đứng về phía Phổ.[2] Bismarck quyết định sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh nhanh gọn, và quả thực, cuộc chiến chỉ kéo dài trong vòng bảy tuần.[9] Các lực lượng bị phân rã của Liên minh Đức không thể nào tập trung, khiến cho hai nước Áo và Phổ trở thành hai phe tham chiến chính yếu của cuộc chiến.[9]

Thân vương Friedrich Karl chỉ huy quân Phổ

Ngay từ ngày 2 tháng 6 năm 1866, Quốc vương Wilhelm I đã giao cho Tổng tham mưu trưởng của ông là Moltke quyền ban hành mệnh lệnh trên danh nghĩa Đức vua.[31][32] Moltke đã triển khai ba tập đoàn quân tiến đánh người Áo dọc theo 250 dặm Anh (miles) ở biên cương. Ông lập kế hoạch cho cả ba Tập đoàn quân đều xuất hành theo ba trục song song về hướng Nam và tiến vào Böhmen. Vùng Böhmen trở thành chiến trường chính yếu của cuộc chiến.[9][33] Tận dụng triệt để 5 tuyến đường sắt sẵn có của mình nhằm nhanh chóng vận chuyển binh lính và lương thực, Moltke đã quy tụ được ba tập đoàn quân Phổ tại ba địa điểm dọc theo một mặt trận dài 450 km: Tập đoàn quân sông Elbe dưới sự chỉ huy của Tướng Karl Herwarth von Bittenfeld quanh Torgau, Tập đoàn quân số 1 dưới quyền Thân vương Friedrich Karl quanh Görlitz và Tập đoàn quân số 2 dưới quyền Thái tử Friedrich Wilhelm quanh Schweidnitz-Neisse. Thực hiện phương châm "hành quân riêng rẽ và hợp nhất trong trận chiến" của Moltke, Tập đoàn quân số Elbe được lệnh tiến quân qua miền Trung Sachsen ở hướng Tây, trong khi Tập đoàn quân số 1 sẽ kéo vào miền Đông Sachsen và Tập đoàn quân số 2 sẽ thẳng tiến vào vùng Böhmen ở hướng Đông. Với mệnh lệnh ngày 22 tháng 6: "Đức Kim thượng truyền cho cả hai tập đoàn quân tiến vào Böhmen và tìm cách hội quân theo hướng Gitschin", ban bố cho các Tập đoàn quân số và số 2 (có hiệu lực với cả Tập đoàn quân Elbe ở Sachsen, vốn được xem là trực thuộc Tập đoàn quân số 1), Moltke dự kiến sẽ tập kết ba tập đoàn quân ở gần Gitschin (Jiçin) trước khi kéo rốc tới Ölmütz (Olomouc) – nơi mà những thông tin tình báo đã cho biết người Áo dự định tập trung binh lực của mình – nhằm rút ngắn độ dài của cuộc chiến. Mặc dù chỉ ra rằng Gitschin là một địa điểm thuận lợi về giao thông, Moltke cũng nói thêm một câu đầy tính thực dụng với Thái tử: "Dĩ nhiên đó không có nghĩa là Gitschin phải được tiếp cận bằng mọi giá; điều này lệ thuộc vào diễn tiến các sự kiện".[9][21][32][34]

Về phía Áo, cuộc chiến ở Ý năm 1859 cho thấy Hoàng đế Franz Joseph của Áo không là người có khả năng chỉ huy các lực lượng Áo trên trận tiền. Do đó, ông bổ nhệm Ludwig von Benedek – vốn được nhiều người nhìn nhận là viên chỉ huy quân sự xuất sắc nhất của Áo sau Radetzky – làm Tổng chỉ huy Tập đoàn quân Phía Bắc của Áo. Duy chỉ có Benedek hiểu được những hạn chế của mình. Ông biết rằng cuộc chiến tại Böhmen không nằm trong năng lực của mình, trái ngược với các chiến trường ở Ý trước kia. Mặc dù Benedek từ chối, Hoàng đế nhất nhất phải đề cử ông, và Benedek buộc phải miễn cưỡng chấp nhận trọng trách của mình. Trái ngược với Moltke, Benedek không hề sử dụng đầy đủ hệ thống đường sắt của Áo, thành thử phần lớn các trung đoàn của Tập đoàn quân Phía Bắc phải bộ hành từ các đồn binh của họ ở Mähren đến Böhmen. Do không muốn trở thành kẻ gây hấn trong con mắt của châu Âu, người Áo chủ trương giữ thế phòng ngự về cả chính trị và ngoại giao. Không may cho người Áo, thái độ bị động đã bỏ dỡ mọi cơ hội đối với họ. Song, trên khắp châu Âu, họ được dự đoán rộng rãi là sẽ giành phần thắng trong cuộc chiến tranh này.[21][35] Bên cạnh ưu thế về dân số, quân số và ngân sách quốc phòng, Áo còn có những tướng lĩnh giàu kinh nghiệm hơn so với đối phương: họ vừa đánh với người Pháp và Ý bảy năm trước trong khi Phổ chưa hề đánh với một cường quốc nào kể từ sau những cuộc chiến tranh của Napoléon.[32]

Do chia làm ba tập đoàn quân, lực lượng của Moltke đã có thể tiếp tế cho mình và tiến nhanh hơn nhiều so với dự kiến của Benedek.[21] Mặc dù tốc độ hành quân của Tập đoàn quân số 1 và số 2 không đủ nhanh để thực hiện cuộc hội quân tại Gitschin, chiến lược tấn công của Moltke đã giành được thắng lợi ban đầu: sau khi các Tập đoàn quân số 1 và Elbe hội quân vào ngày 28 tháng 6, quân Phổ đánh thắng quân liên minh Áo và Sachsen trong các trận đánh tại trận Münchengrätz vào ngày 28 tháng 6Gitschin vào ngày 29 tháng 6 năm 1866. Trong khi đó, Benedek vẫn tin rằng Tập đoàn quân số 2 của Phổ đang bắc tiến qua vùng núi Böhmen và chưa phải là một vấn đề đáng chú ý. Ông bỏ qua cơ hội tấn công tiêu diệt một trong các tập đoàn quân Phổ sơ hở nhất và đang tiến qua vùng núi chật hẹp và Tập đoàn quân số 2 đã đánh bại các lực lượng Áo trên đường tiến của mình. Sau thất bại ở Gitschin, tướng Clam-Gallas bị huyện chức. Ngoài ra, Thống chế Alfred Freiherr von Henikstein, tham mưu trưởng của Benedek, cũng bị thay thế bằng tướng Baumgarten. Phải đến ngày diễn ra trận Königgräz thì Baumgarten mới đến tổng hành dinh quân đội Áo, và sự trì hoãn này sẽ làm cho tình hình của phía Áo càng thêm rối ren do họ có đến đến hai tham mưu trưởng trên chiến trường trong trận chiến.[9][32][34][36][37][38] Chỉ sau vài trận đánh, 35.000 quân Áo đã bị loại khỏi vòng chiến, gây suy nhược tinh thần của toàn bộ quân đội Áo và đánh gục ý chí chiến thắng của Benedek. Ông bị buộc phải hạ lệnh triệt binh khỏi Böhmen về phòng ngự ở Ölmütz.[3][9][39][40] Đồng thời, ở miền Bắc Đức, chỉ hai tuần sau khi tuyên bố chiến tranh, Tập đoàn quân Phía Tây của Phổ dưới quyền Tướng Eduard Vogel von Falkenstein đã đánh thắng quân Hanover trong trận Langensalza và chấm dứt mọi hiểm nguy đến từ hướng đó.[9]

Tình hình hai phe trước trận chiến

Cuộc triệt binh khởi đầu vào ngày 30 tháng 6 theo hướng Königgrätz, và trên đường rút Benedek đã gặp Beck, một sứ giả của Hoàng đế Áo. Thông qua vị sứ giả, Benedek hối thúc Hoàng đế phải cầu hòa vì đây là cách duy nhất để cứu rỗi quân đội thoát khỏi "thảm họa". Không lâu trước buổi trưa ngày 30 tháng 6, Beck cùng với hai viên chức khác đã đánh điện khẩn cấp yêu cầu Hoàng đế giảng hòa, nhưng vài tiếng đồng hồ sau, Franz Joseph phán: "Không thể nghị hòa. Nếu không tránh khỏi, Trẫm cho phép rút lui trong trật tự. Đã có trận đánh nào diễn ra chưa?" Lời cuối cùng khó hiểu trong bức điện tín của Hoàng đế được Benedek diễn giải là mệnh lệnh không được triệt thoát trước khi đánh một trận lớn.[41] Bản nhân viên Tổng chỉ huy quân Áo giờ đây vẫn nhận thấy khả năng đánh một trận phòng ngự trên khoảng đất cao giữa các sông Bistritz và Elbe. Niềm tin của ông bắt đầu được hồi sinh khi mà ông chỉnh đốn quân ngũ để chuẩn bị trận đánh quyết định sắp sửa xảy ra.[38] Benedeck tập trung binh lực hướng về phía Tây dọc theo một mặt trận trải dài 10 dặm Anh từ Josephstadtz về hướng Nam tới Königgrätz và ở trên ngôi làng Sadowa.[9][42]. Moltke đã mô tả vị trí phòng ngự của quân Áo đằng sau sông Bistritz là "cực kỳ vững mạnh".[32]

Bản đồ lịch sử của chiến dịch Königgrätz.

Rút kinh nghiệm từ thất bại của quân Áo trong các trận đánh trên địa hình mở ở SkalitzSoor, Benedek tận dụng mọi lợi thế mà địa thế rừng đồi của chiến địa đem lại. Ông chia quân làm 4 cụm. Ở trung tâm, tại Chlum - Lipa, Quân đoàn III và Quân đoàn X án ngữ toàn bộ chiến tuyến, với khoảng 44.000 lính và 134 đại bác. Cả hai quân đoàn đều bài trí các đơn vị tiền tiêu gần cầu Sadowa để đánh trả cuộc vượt sông của đối phương. Ở cánh trái, Quân đoàn Sachsen và Quân đoàn VIII, gồm 40.000 lính và 140 đại bác, trấn giữ khu vực bao gồm Techlowitz, Neu Prim, Ober Prim, Nieder Prim và Problus, đồng thời cũng bố trí các tuyến tiền đồn về phía các địa điểm vượt sông Bistritz. Cánh phải, mà cũng là cạnh yếu nhất của quân Áo trên trận tuyến, được phòng bị bởi Quân đoàn IV và Quân đoàn II với 55.000 lính và 176 đại bác, giữa Chlum và Nedelist. Quân Áo đã xây dựng các ụ pháo khổng lồ dọc theo cao điểm giữa Chlum và Nedelist với tầm bắn xuyên địa hình đồi núi và rừng rậm, mặc dù cao điểm này bị chi phối bởi cách không xa bị hướng bắc, cao điểm này bị chi phối bởi các ngọn đồi Maslowed và Horenowes, đồng thời đào một hệ thống chiến hào và công sự. Viên chỉ huy bộ phận kỹ thuật của Benedek, Đại tá Franz Karl Freiherr von Pidoll zu Quintenbach cũng cho người đốn các cây trong khu rừng phía trên Sadowa và thả các ngọn và cành cây về hướng mà địch sẽ tiến tới, để hình thành chiến ngại vật. Cả hai cánh quân Áo đều được một sư đoàn kỵ binh yểm trợ. Giữa Rosberitz và Wsestar, các quân đoàn I và VII, cùng với lực lượng kỵ binh và pháo binh hạng nặng, hình thành cụm quân trừ bị với 47.000 bộ binh, 11.435 kỵ binh và 320 đại bác. Các số liệu này đều lấy từ cuốn The Battle of Königgrätz: Prussia's Victory Over Austria, 1866 của Gordon A. Craig, các trang 88-89.

Benedek hy vọng sẽ chiến đấu ở thế phòng ngự, rồi đến một thời khắc định đoạt thì tung một đòn hồi mã thương để phá vỡ trung quân Phổ. Nhưng, bất chấp những lời cảnh báo từ viên sĩ quan tình báo hàng đầu của ông, Benedek nghĩ rằng ông sẽ đương đầu với mỗi Tập đoàn quân số 1 của đối phương.[43] Điều đó được thể hiện qua một sơ hở trong hệ thống phòng thủ hình bán nguyệt của ông: cả hai cánh quân Áo đều dựa lưng vào sông Elbe, tạo cho họ khó có thể đương đầu với một đòn hợp vây của địch. Do đường rút của họ chạy dọc theo con đường chính Sadowa-Königgräz, nó dễ dàng bị cắt đứt.[38]

Quân đội hai bên có quân số ngang ngửa nhau. Theo học giả Hoa KỳSpencer Tucker, Moltke thống lĩnh khoảng 221 nghìn quân cùng với 702 khẩu pháo, trong khi dưới tay Benedeck có 206 nghìn quân (trong đó có 184 nghìn quân Áo và 22 nghìn quân Sachsen) cùng với 650 khẩu pháo. Cuốn Encyclopedia of Modern War của tác giả Roger Parkinson cũng cho biết Moltke đã dẫn đầu 22 vạn quân chống lại 19 vạn quân Áo và 25 nghìn quân Sachsen.[9][22] Còn theo tác giả Bayard Taylor trong cuốn History of Germany thì tổng binh lực của phía Phổ là 26 vạn người kèm theo 790 khẩu pháo, trong khi phía Áo có quân số tương đương.[6] Nhà sử học quân sự người ÚcJohn Laffin cũng cho biết, tập đoàn quân của Benedeck gồm thâu 215.000 người Áo, Sachsen và Hungary.[42] Quân đội Áo có kỵ binh và pháo binh mạnh hơn đối phương, nhưng súng trường Lorenz nạp trước của họ không thể bì được súng trường nạp hậu Dreyse của Phổ. Mặc dù khẩu Lorenz có tầm bắn xa và độ bắn chính xác hơn Dreyse, loại súng trường nạp hậu của Phổ có tốc độ bắn nhanh gấp năm lần so với súng trường của đối phương. Khẩu Dreyse có thể được sử dụng hiệu quả khi quỳ hoặc nằm rạp trong phòng ngự, cũng như khi di chuyển linh hoạt trong tấn công; trái lại, sau mỗi phát bắn, người lính Áo phải đứng nạp đạn cho súng trường của họ rồi mới bắn tiếp được. Vì thế, lính bộ binh Áo dễ trở thành mồi ngon của súng trường Phổ.[9][22][44]

Phía Phổ xác định vị trí phòng ngự của đối phương

Về phía Phổ, vào cuối tháng 6 năm 1866, sau những thắng lợi liên tiếp của các đạo quân trên chiến trường, Moltke và các sĩ quan tham mưu đã có thể rời Berlin ra mặt trận, cùng với nhà vua và tướng Albrecht von Roon. Nếu như trong giai đoạn đầu của chiến dịch, Moltke sử dụng điện báo để liên lạc với các tướng lĩnh trên chiến trường, thì bước sang giai đoạn thứ hai, ông trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Đi từ Berlin đến Reichenberg ở Böhmen theo đường sắt, Moltke dừng chân ở Kohlfurt trong buổi sáng ngày 30 tháng 6, để ra huấn lệnh cho các tập đoàn quân số 1 và số 2 bằng một bản điện báo ngắn. Bản huấn lệnh cho thấy Moltke có thể đã nhìn nhận tình hình như vậy: sau những chiến thắng của mình vào các ngày 27 và 28 tháng 6 (ông vẫn chưa hay tin về các cuộc giao chiến ngày 29 tháng 6), Tập đoàn quân số 2 đang tiến về sông Elbe, do đó vị Tổng tham mưu trưởng dự kiến cho đạo quân này trụ lại ở bờ trái (Đông) sông Elbe, với lực lượng cánh phải (bao gồm các Quân đoàn V và VI) ở tư thế sẵn sàng hội quân với cánh trái của Tập đoàn quân số 1 ở bên kia Königinhof. Trong khi đó, Tập đoàn quân số 1 – được báo cáo gần thời điểm đó nhất là đang tiến về phía đông mà không hề gặp phải đối phương – được tiếp tục bước tiến của mình "không ngừng nghỉ" theo hướng Königgrätz – nghĩa là, tới một địa điểm trên sông Elbe thấp hơn nơi mà Tập đoàn quân số 2 đang hướng tới. Do thiếu trinh sát nên cũng như các tướng lĩnh dưới quyền của mình, Moltke không hề hay biết về địa điểm đóng quân và kế hoạch của Benedek, song chắc hẳn ông tin rằng viên tướng Áo đã vượt bờ Đông sông Elbe và rời Böhmen. Ngày 30 tháng 6, Bộ Tổng chỉ huy đến Reichenberg và nhận được một bản báo cáo nặng tính tô hồng về chiến thắng Gitschin của Friedrich Karl ngày hôm trước, theo đó trận Gitschin thắng lợi quyết định đến mức quân Áo bị tan vỡ và phải tháo chạy qua sông Elbe.[45][46]

Buổi trưa ngày hôm đó, khi đến Schirow, nơi đã được liên kết với tổng hành dinh của Friedrich Karl và Berlin qua điện báo vào lúc sáng, Moltke phát hiện một bản điện báo cho biết Quân đoàn I đã vượt sông Elbe và các đơn vị khác của Tập đoàn quân số 2 được hoạch định là sẽ vượt sông vào các ngày tới. Không hề giận dữ, Moltke đánh điện tới Tập đoàn quân số 2: "Bản điện báo được mã hóa ngày hôm qua ra lệnh cho Tập đoàn quân số 2 ở lại bờ trái sông Elbe. Liệu các ông đã không nhận được bản điện báo này, hay là các ông có một lý do cụ thể nào đó để vượt sông cùng với toàn bộ binh lực của mình". Có lẽ sự biến mất hoàn toàn và đột ngột của quân Áo khỏi tầm mắt của cả hai tập đoàn quân làm cho ý định ban đầu của Moltke có sự thay đổi, và ông bổ sung thêm một bản điện tín cho tham mưu trưởng Tập đoàn quân số 2 là Leonhard von Blumenthal: "Tôi sẽ đến Gitschin vào buổi tối thay đổi. Tập đoàn quân số 1 sẽ nghỉ ngơi vào ngày mai và có lẽ là vào ngày hôm sau nữa. Đang mong đợi một cuộc hợp mặt với sĩ quan của các ông". Trên thực tế, tại Königinhof, Blumenthal đã nhận được bản điện tín mà Moltke gửi từ Kohlfurt, nhưng không hiểu được ý nghĩa của mệnh lệnh do một lỗi trong quá trình đánh máy. Cũng như Friedrich Karl, Blumenthal chưa hề có dự đoán mơ hồ nhất về địa điểm cố thủ của Benedek và tin rằng những thắng lợi của quân mình trong các ngày trước đã đẩy quân Áo qua song Elbe, dù là theo một hướng khác. Giờ đây, ông tin rằng quân Áo đã rút "vào những vùng sâu xa của Böhmen".[46] Những mệnh lệnh của Moltke từ lúc ông đến Böhmen cho thấy vị Tổng tham mưu trưởng chủ trương trì hoãn sự hợp nhất hai tập đoàn quân Phổ, tạo điều kiện cho việc tạo thế gọng kìm hợp vây quân của Benedek tại nơi mà ông ta sẽ được tìm thấy. Về sau, Schlieffen có lẽ đã đúng khi cho rằng các chỉ huy dưới quyền Moltke chưa hề am hiểu thấu đáo và hoàn toàn đồng thuận với các khái niệm truy kích và hợp vây. Họ chỉ tin rằng những thắng lợi vừa qua là một cuộc thử sức, khúc dạo đầu của cuộc giao tranh thực sự sắp diễn ra và do đó họ muốn quy tụ mọi lực lượng của mình. Trong khi Moltke muốn giữ vững tính linh hoạt do sự phân rẽ các đạo quân đem lại, các chỉ huy tập đoàn quân mang hãy còn lo sợ quân của Benedek đột ngột xuất hiện và đánh bại từng tập đoàn quân riêng lẻ.[45][47] Do vậy, Blumenthal yêu cầu cho Tập đoàn quân số 2 vượt sông Elbe để hội quân với Friedrich Karl và truy đuổi địch quân, nhưng bị Moltke bác bỏ.[46]

Tướng Leonhard von Blumenthal – Tham mưu trưởng của Thái tử

Sáng ngày 2 tháng 7, nhận được đề nghị thứ hai của Moltke nhằm tiến hành một cuộc hội ý, Blumenthal cùng Verdy du Vernois lên xe ngựa đến hội kiến với Moltke ở Gitschin.[46] Buổi chiều ngày 2 tháng 7, ngày mà vua Wilhelm I của Phổ thiết lập Tổng hành dinh tại Gitschin và được bộ tham mưu cùng với quân đội chào đón nồng nhiệt[3], một hội nghị tham mưu – đây không nên được gọi là một hội đồng chiến tranh do không có mặt tư lệnh các tập đoàn quân – được tổ chức với sự chứng giám của Đức vua. Tướng phụ tá Gustav von Alvensleben, Tham mưu trưởng Tập đoàn quân số 1 Voigts-Rhetz và Blumenthal đã bày tỏ những bất đồng của mình với Moltke. Họ kêu gọi thống nhất ba tập đoàn quân, và thậm chí Blumenthal còn đưa ra một đề xuất mang nặng phong cách Napoléon nhằm "tiến thẳng về Viên mà không cần biết quân địch ở đâu". Dù đang bị cảm nặng, Moltke vẫn giữ cái đầu lạnh và đề xuất của Blumenthal bị từ chối. Hội nghị quyết định giữ khoảng cách giữa hai Tập đoàn quân số 1 và 2 chí ít là cho đến khi vị trí phòng ngự của Áo được xác định. Trong khi đó, ngày 3 tháng 7 sẽ là ngày nghỉ của phần lớn quân đội Phổ, ngoại trừ Quân đoàn I được dự trù là sẽ di chuyển đến các vị trí thuận lợi cho việc liên lạc với cánh trái của Tập đoàn quân số 1, và các lực lượng của Bittenfeld – được lệnh tiến đến trấn giữ các đầu cầu sông Elbe dưới Pardubitz. Sau đó buổi hợp kết thúc và những người tham gia lần lượt trở về tổng hành dinh của mình. Đức vua và Moltke trở về những ngôi nhà được sắp đặt cho họ, Voitgts-Rhetz về Bộ Chỉ huy Tập đoàn quân số 1 của Thân vương Friedrich Karl tại Kamenetz còn Blumenthal thì về đến tổng hành dinh Könighinhof lúc nửa đêm.[46] Nhưng rồi, sự thiếu thốn thông tin về quân Áo của Benedek chỉ còn là quá khứ trong khi buổi họp mặt đang tiếp diễn, và quan điểm chung của mọi người – rằng quân Áo đã rút qua sông Elbe – đã đúng.[45]

Đêm ngày 1 tháng 7 năm 1866, tiền quân của Sư đoàn số 7 (tướng Fransecky) do Đại tá Franz von Zychlinski chỉ huy đã hạ trại tại lâu đài Cerekwitz, tại bờ sông cách Sadowa 8 km về hướng bắc. Zychlinski để ý thấy rất nhiều ánh lửa trên các cao điểm ở phía đông, và ngày hôm sau, sau khi báo cáo những gì mà ông nhìn thấy cho Bộ Chỉ huy, ông cử một đội kỵ binh đi thám sát. Các kỵ mã đã lao vào một toán bộ binh Áo, bắt được một binh sĩ Áo rồi trốn thoát. Sau khi bị tra khảo,tù binh này nói với Zychlinski rằng Quân đoàn III của Áo đang đóng quân trên các cao điểm Clum và Lipa. Trưa ngày 2 tháng 7, Zychlinski đưa tin đến Kamenetz. Friedrich Karl quyết định phải tiến hành điều tra và truyền lệnh cho Thiếu tá Ernst von Unger tiến hành thám sát lực lượng địch ở thung lũng Bistritz. Cùng với một hạ sĩ và 6 lính thương kỵ binh, Unger đã dong ngựa lên ngọn đồi Dub, nơi ông tin rằng ông có thể nhìn được toàn cảnh thung lũng. Nhưng trước khi ông tới được mục tiêu này, ông phát hiện đội tuần tiễu của kỵ binh Áo ở bờ kia. Một binh sĩ Phổ nổ súng, đốn ngã hai lính Áo vào buộc số còn lại phải bỏ chạy. Lính Phổ liền bắt lấy hai binh sĩ Áo và thu thập thông tin rằng có ít nhất là 4 quân đoàn Áo đang tập trung tại khu vực giữa Bistritz và Königgrätz. Sau đó đội tuần tiễu kéo đến làng Dub và trên đường tiến, họ gặp phải vài tốp kỵ binh Áo và lính kỵ binh Áo đã vẫy chào do tưởng họ là đồng minh Sachsen của mình. Cuối cùng, trên ngọn đồi ở làng Dub, họ đã quan sát được một số lượng đáng kể quân Áo tập kết dọc theo vùng hạ lưu sông Elbe về hướng Bắc Königgrätz. Nhưng chẳng bấy lâu sau, họ đã bị một tốp kỵ binh Áo phát giác và truy kích dữ dội. Dù suýt nữa thì bị một ngọn giáo Ba Lan giết chết, Unger đã trốn được thoát mà không phải chịu thiệt hại nào. Khoảng 6 hoặc 7 giờ đêm ngày hôm đó, Unger đã có mặt tại tổng hành dinh của Thân vương Friedrich Karl ở Kamenetz, mang theo những thông tin mà cả Tập đoàn quân số 2 đang mong đợi.[45] Giờ đây, tập đoàn quân của Benedeck đã nằm trong tầm tay của Tập đoàn quân Elbe dưới quyền tướng Bittenfeld và Tập đoàn quân số 1 dưới quyền Friedrich Karl.[48][49]

Tin tức mà Unger thu thập được đã thay đổi hoàn toàn thái độ thận trọng của Friedrich Karl trong cuộc chiến. Ông đề ra một quyết định mà được các nhà viết tiểu sử về sau này nhìn nhận là vĩ đại nhất và có ý nghĩa nhất trong sự nghiệp quân sự của ông: huy động toàn bộ lực lượng của mình để tấn công quân địch trong buổi sáng ngày hôm sau.[45] Từ 7 đến 9 giờ tối, ông cùng với Voights-Rhetz vạch ra kế hoạch tổ chức một cuộc tấn công trực diện bằng toàn bộ lực lượng của Tập đoàn quân số 1, khởi đầu lúc 7 giờ sáng ngày 3 tháng 7, trong khi Bittenfeld tiến quân đến Nechanitz để đánh bọc sườn trái của Áo ở phía nam. Đến 9 giờ 30, các kế hoạch đã được hoàn tất và thượng lệnh được ban bố cho các đơn vị trực thuộc Tập đoàn quân số 1, ngoài ra một thông điệp được đưa đến Tập đoàn quân số 2 để yêu cầu sự trợ giúp. Giờ đây, ít nhất đã 3 tiếng đồng hồ sau khi được thông báo về sự hiện diện của quân Áo và sau khi các sư đoàn của Tập đoàn quân số 1 được lệnh tiến về các khởi điểm của mình, Friedrich Karl và tham mưu trưởng của ông mới quyết định báo tin cho Moltke. Voights-Rhetz đến Gitschin vào khoảng 10 giờ tối và nhìn thấy Wilhelm I đang ngủ. Ông đã đánh thức quân vương dậy và báo cáo về những quyết định vừa qua của Friedrich Karl. Sau một cuộc tranh luận ngắn – mà theo lời kể của Voights-Rhetz là Đức vua hoàn toàn đồng thuận với mọi sự bố trí binh lực của Tập đoàn quân số 1 – ông vào tiếp kiến Moltke, người cũng đang ngủ. Sau khi thức dậy với câu: "Chúa phải được tôn cao", vị Tổng tham mưu trưởng tiếp nhận báo cáo của Voights-Rhetz. Do Tập đoàn quân số 1 đã dàn xếp xong xuôi mọi thứ trong thời gian này, Moltke không còn gì khác ngoài việc ưng thuận kế hoạch được đệ trình cho ông; song, việc ông có hoàn toàn hài lòng với bản kế hoạch này – một cuộc tấn công trực diện vào hệ thống phòng ngự rắn chắc của Áo mà kết quả tốt nhất chỉ có thể là một cuộc triệt binh của Áo – hay không là điều đáng nghi vấn.[46]

Trước tình hình đó, Moltke hạ lệnh cho Thái tử Friedrich hiệp binh với hai tập đoàn quân khác tại điểm hội tụ của quân Áo, nhưng do tuyến điện báo đến các vị trí đóng quân của Tập đoàn quân số 2 bị hỏng, do đó đòi hỏi hai viên sĩ quan phải phóng ngựa mang tin kịp thời đến Tập đoàn quân số 2 cách đó hơn 32 km. Họ đã đến vào lúc 4 giờ sáng ngày 3 tháng 7. Mệnh lệnh mà Moltke ban hành cho Thái tử được đánh giá là một tuyệt tác của sự khúc chiết và mạch lạc. Thoạt tiên, thông qua việc nhắc tên của các ngôi làng, thượng lệnh đã xác định địa điểm cụ thể nơi Tập đoàn quân số 1 sẽ chống nhau với người Áo. Tiếp theo đó, thượng lệnh nêu rõ[34]:

Điện hạ sẽ đủ hay để lập tức tiến hành những chuẩn bị cần thiết để có thể xuất quân … hỗ trợ cho Tập đoàn quân số 1 chống đỡ cánh phải của một cuộc tiến quân có lẽ sẽ xảy ra của địch, và qua đó gia nhập trận đánh sớm nhất có thể.
— Helmuth von Moltke

Qua đó, Moltke không hề chỉ ra chi tiết cách thức mà Tập đoàn quân số 2 phải thực thi mệnh lệnh của ông, đồng thời không xác định lộ trình của họ đến tiếp viện cho trận đánh. Thay vì đó, ông giao cho viên chỉ huy tập đoàn quân này tự quyết định, theo như cái gọi là "Sứ mệnh lệnh".[34] Ông cũng giao một bản sao của mệnh lệnh cho viên sĩ quan hầu cận của nhà vua là Finck von Finckenstein và một bản sao khác cho Voights-Rhetz.[46] Sau khi Tập đoàn quân số 2 nhận được trọng trách của mình, Blumenthal, một người có tài mưu lược, ngay lập tức chỉnh đốn kế hoạch hành quân của đạo quân này.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Königgrätz http://beta.bookiejar.com/Content/Books/11369a55-5... http://books.google.com/books?id=9U9_wW-AC-sC&pg=P... http://books.google.com/books?id=n9EyXIfExKoC&prin... http://www.deutsche-schutzgebiete.de/deutscher_kri... http://www.smz-datteln-natrop.de/maersche/01---10/... http://archive.org/stream/achievementscav03woodgoo... http://archive.org/stream/bohemiamalc00malc/bohemi... http://www.archive.org/stream/battlesofninetee01fo... http://www.archive.org/stream/campaigninbohem00glg... http://www.archive.org/stream/dictionarybattl00har...